Bà Lê Thị Giàu có đòi bà Phương Hằng bồi thường 1.000 tỷ đồng được không?

Bà Lê Thị Giàu có đòi bà Phương Hằng bồi thường 1.000 tỷ đồng được không?

Ngày 1/6/2021, bà Lê Thị Giàu xác nhận đã nộp đơn kiện lên Tòa án Nhân dân quận 1 (TP.HCM) cáo buộc bà Nguyễn Phương Hằng, CEO Công ty Đại Nam (Bình Dương) xúc phạm danh dự, uy tín của mình trong buổi livestream ngày 14/5, đòi bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần 1.000 tỉ đồng.

Ngoài đòi bồi thường về tiền, bà Giàu cũng yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng gỡ bài nói về bà, công khai xin lỗi và cải chính trên mạng YouTube.

Theo báo Tuổi trẻ, đơn khởi kiện của bà Lê Thị Giàu cho biết, năm 2017 bà có quan hệ quen biết với bà Hằng khi đến viếng chùa Phước Sơn thiền viện tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Bà Giàu khẳng định không có quan hệ làm ăn, bạn bè với bà Hằng, nhưng thời gian này bà Hằng thường nhắn tin cho bà với lời lẽ xúc phạm, mang tính đe dọa, bà đã lập vi bằng về các tin nhắn này.

Bà Giàu cho rằng tại buổi livestream ngày 14/5, bà Hằng đã xúc phạm danh dự, uy tín của mình, bịa đặt, vu khống bà “ép bức sư Bửu Chánh – trụ trì chùa Phước Sơn – trả lại tiền và xe cho bà Hằng”, “thùng tiền công đức của chùa do bà Giàu quản lý”, “bà Giàu là “doanh nhân siêu lừa đảo”, “hung dữ, mua tượng Phật và hoa không trả tiền”.

Bà Lê Thị Giàu liệu có đòi bà Phương Hằng được 1.000 tỷ đồng bồi thường?

Bà Lê Thị Giàu. Ảnh: Tuổi trẻ

Theo thông tin chúng tôi được biết bà Lê Thị Giàu sinh năm 1959, là chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây. Theo giới thiệu của website Công ty Bình Tây, sản phẩm của công ty chủ yếu là bún gạo, phở, mì chay, nước tương… Công ty cũng như bản thân bà Lê Thị Giàu tham gia nhiều hoạt động từ thiện.

Bà Lê Thị Giàu còn là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tấn Hưng. Bà cũng từng tham gia Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 (năm 2007-2012).

Không rõ bà Giàu đã thu thập đầy đủ bằng chứng thiệt hại do những phát ngôn của bà Hằng gây ra như thế nào, nhưng theo các quy định, điều luật hiện hành bà Giàu khó có thể đòi được 1.000 tỷ đồng bồi thường từ bà Hằng. Luật quy định ngoài mức phạt hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín tối đa 30 triệu đồng; hành vi vu khống tối đa 50 triệu đồng, phía bị đơn phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, bên khởi kiện phải cung cấp đầy đủ các bằng chứng thiệt hại rõ ràng và quy ra được giá trị (cụ thể trường hợp này là 1.000 tỷ đồng), chẳng hạn như làm doanh số giảm bao nhiêu, mất bao nhiêu hợp đồng…

Chùm ảnh: Độ hóng thế này bảo sao bà Nguyễn Phương Hằng phá kỳ lục livestream

Rất nhiều người đã xem buổi livestream ngày 14/5 của bà Hằng

Các điều luật và quy định liên quan:

Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:

“1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình…

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ…

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.

Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội làm nhục người khác như sau:

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”

Ngoài ra, đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP “”1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;”.

Đối với tội vu khống, Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền….”

Các hành vi nói trên cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất của hành vi phạm tội như phạm tội 02 lần trở lên; Đối với 02 người trở lên; Đối với người đang thi hành công vụ; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

Trường hợp hành vi xúc phạm gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì bị thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Tuấn Phan

Góc nhìn Vnreview -tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/3455486/ba-le-thi-giau-co-doi-ba-phuong-hang-boi-thuong-1-000-ty-dong-duoc-khong